Các nguyên tắc khi dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non

Lê Kiên - 27/02/2025

Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng cần được rèn luyện, nhất là đối với trẻ mầm non. Ngay từ những năm đầu đời, việc hình thành thói quen này giúp trẻ tự tin hơn trong tương lai. Trong bài vết dưới đây, Toschool sẽ hướng dẫn cha mẹ các nguyên tắc trong dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non, giúp trẻ ứng xử trong mọi tình huống.

Nguyên tắc số 1: Khi giao tiếp với người lớn

Trẻ mầm non có xu hướng giao tiếp tự nhiên, nhưng cần học cách lễ phép khi nói chuyện với người lớn. Cha mẹ có thể dạy trẻ chào hỏi, dùng “dạ”, “vâng ạ” khi trả lời, và không ngắt lời khi người lớn đang nói. Điều này giúp trẻ hình thành tác phong đúng mực trong giao tiếp.

Nguyên tắc số 2: Giao tiếp bằng ánh mắt

Ánh mắt đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Khi trò chuyện, trẻ nên duy trì ánh mắt với người đối diện để thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe. Để rèn luyện thói quen này, cha mẹ có thể chơi trò “nhìn vào mắt và nói chuyện” cùng con hoặc đọc truyện và đặt câu hỏi để khuyến khích trẻ nhìn vào người đang nói.

Nguyên tắc số 3: Nói lời cảm ơn/xin lỗi một cách chân thành 

Lời cảm ơn và xin lỗi giúp trẻ thể hiện thái độ tôn trọng và ứng xử có văn hóa. Trẻ nên được dạy cách sử dụng những lời này một cách tự nhiên, không ép buộc. Cha mẹ có thể làm mẫu bằng cách thường xuyên nói “cảm ơn” và “xin lỗi” trong đời sống hằng ngày, từ đó trẻ sẽ học theo và hình thành thói quen tốt.

Nguyên tắc 4: Trả lời bằng câu hoàn chỉnh

Việc trả lời bằng câu đầy đủ giúp trẻ diễn đạt suy nghĩ rõ ràng hơn. Thay vì trả lời cụt lủn như “Có” hoặc “Không”, trẻ có thể nói “Con thích món này vì nó ngon” hoặc “Con không muốn đi vì con mệt”. Để khuyến khích điều này, cha mẹ có thể đặt câu hỏi mở hoặc yêu cầu trẻ giải thích thêm về câu trả lời của mình.

Nguyên tắc 5: Tôn trọng cảm xúc, ý kiến của mọi người xung quanh

Khi giao tiếp, trẻ cần học cách tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng lắng nghe, đồng cảm và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng mọi người đều có quan điểm riêng, và điều quan trọng là lắng nghe thay vì chỉ cố gắng bảo vệ ý kiến của mình.

Nguyên tắc 6: Khuyến khích trẻ thể hiện ý kiến cá nhân và ý tưởng của mình

Việc trẻ tự tin chia sẻ suy nghĩ của mình giúp phát triển tư duy phản biện và khả năng giao tiếp. Cha mẹ có thể tạo ra những tình huống khuyến khích con nói lên ý kiến, như hỏi con thích món ăn nào hơn và vì sao, hoặc để con kể về ngày hôm nay của mình. Khi trẻ nói, hãy lắng nghe và khen ngợi để tạo động lực cho trẻ tiếp tục bày tỏ suy nghĩ.

Kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non không chỉ giúp trẻ kết nối với mọi người mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Bằng cách áp dụng các nguyên tắc trên, cha mẹ có thể giúp trẻ rèn luyện khả năng giao tiếp một cách tự nhiên và hiệu quả.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM