Xu hướng điểm chuẩn và cách đặt nguyện vọng để đảm bảo trúng tuyển

Lê Kiên - 01/08/2022

Thầy Vũ Khắc Ngọc dự đoán nếu chỉ dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, các ngành xét tuyển khối C sẽ tăng mức chuẩn, trong khi những ngành xét tuyển khối B có dấu hiệu giảm điểm.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội, vừa đánh giá phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, đồng thời đưa ra những dự đoán về điểm chuẩn để giúp thí sinh lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Thầy giáo nói rằng việc dự đoán điểm chuẩn trong năm nay khó hơn các năm trước vì có quá nhiều thông số can thiệp vào việc xét tuyển đại học. Cụ thể, hầu hết trường đại học hiện nay đều xét tuyển bằng nhiều phương thức (điểm thi tốt nghiệp, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ…). Việc áp dụng nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây “nhiễu” những dự đoán về điểm chuẩn.

“Câu chuyện bao nhiêu điểm thì đậu đại học không quan trọng nữa, điều quan trọng là chúng ta hiểu được nguyên tắc xét tuyển để tìm ra phương án có lợi nhất”, thầy Vũ Khắc Ngọc nói.

Xu hướng dịch chuyển của điểm chuẩn

Trong buổi livestream dự đoán điểm chuẩn, thầy Vũ Khắc Ngọc đưa ra bảng so sánh phổ điểm năm 2021 và 2022 của các tổ hợp khối A, B, C, D, A1. Nhìn chung, điểm năm 2022 có sự giảm nhẹ so với năm 2021.

Tốp điểm cao của khối A (từ 26 điểm trở lên) tăng nhẹ so với năm 2021, nhóm điểm từ 21 đến 25 vẫn ở mức ổn định. Trong khi đó, nhóm từ 20 điểm đổ xuống của khối này lại có dấu hiệu giảm.

Phổ điểm khối B lại giảm đều khoảng 0,5-1,35 ở tất cả nhóm điểm. Thầy giáo nêu ví dụ số điểm 29,1 của năm 2021 chỉ tương đương với 28,5 điểm trong năm nay.

du doan diem chuan nam 2022 anh 1
Bảng so sánh phổ điểm các khối giữa năm 2021 và 2022 do thầy Vũ Khắc Ngọc đưa ra.

Tương tự, phổ điểm khối D và khối A1 cũng giảm khá nhiều, khoảng 0,5-1 điểm. Ví dụ, nếu năm 2021 thí sinh được 26,1 ở tổ hợp môn khối A1, mức điểm đó chỉ tương đương 25,25 điểm của năm 2022.

Trong khi đó, phổ điểm khối C lại có dấu hiệu tăng so với năm ngoái. Thầy Vũ Khắc Ngọc nói đây là trường hợp đặc biệt, vì chỉ có khối này tăng đều ở tất cả nhóm điểm. Một số nhóm tăng hơn 1 điểm.

Nếu chỉ dựa trên yếu tố duy nhất là điểm thi tốt nghiệp THPT, thầy Ngọc dự đoán điểm chuẩn khối ngành Y Dược (xét tuyển theo khối B) sẽ giảm khoảng 0,5-0,75 điểm.

Với khối Kinh tế và khối Khoa học – Kỹ thuật (xét tuyển theo khối A, A1), điểm chuẩn sẽ thay đổi không nhiều. Nếu có, mức chuẩn có xu hướng giảm nhẹ.

Riêng việc xét tuyển khối Kinh tế bằng tổ hợp môn khối D sẽ khó đoán hơn vì điều này còn phụ thuộc vào nhà trường. Hai lý do liên quan vấn đề này là điểm chuẩn năm 2021 đã rất cao, nếu điều chỉnh tăng sẽ gây khó khăn cho các thí sinh, nếu giảm sẽ khó đảm bảo chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, các trường thuộc khối kinh tế thường đa dạng phương thức xét tuyển, nếu chỉ dựa vào phổ điểm rất khó đoán mức chuẩn năm nay.

Thầy Vũ Khắc Ngọc đưa ra hai dự đoán cho mức chuẩn xét tuyển nhóm ngành Kinh tế nếu xét tuyển theo khối D. Nếu tăng, điểm chuẩn sẽ chỉ nhỉnh hơn 0,5. Nếu giảm, mức chuẩn có thể xuống khoảng 0,5-0,75 điểm.

Phổ điểm các môn khối C tăng, kéo theo đó các nhóm ngành liên quan cũng sẽ tăng chứ không có dấu hiệu giảm. Thầy Ngọc đưa ra hai ví dụ là khối Báo chí và khối Luật. Các trường có hai khối ngành này sẽ điều chỉnh mức chuẩn theo hướng tăng điểm.

Với khối Sư phạm, nếu các trường tách riêng khối C để xét tuyển, mức chuẩn sẽ tăng so với năm 2021. Trái lại, nếu các trường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển và chỉ dùng chung một mức điểm chuẩn, khả năng cao, điểm chuẩn năm nay sẽ tương đương năm 2021.

“Nếu điểm thi năm nay bằng điểm chuẩn năm ngoái, khả năng trúng tuyển là khoảng 96%. Nếu điểm thi kém hơn mức chuẩn 0,5, khả năng trúng tuyển hơi mong manh, khoảng 70%. Còn nếu kết quả thi kém hơn 1 điểm so với mức chuẩn, khả năng trúng tuyển sẽ chỉ còn 30, 40%”, thầy giáo nói.

Cần nắm bắt xu hướng điểm chuẩn để điền nguyện vọng

Thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh học sinh không nên chi tiết hóa các con số hay đặt nặng việc bao nhiêu điểm thì đậu ngành này, trường này, phần trăm trúng tuyển là bao nhiêu. Thay vào đó, các em nên nắm bắt xu hướng chung của điểm chuẩn.

“Điều quan trọng là chúng ta cần nắm rõ nguyên tắc xét tuyển để tận dụng tối đa theo hướng có lợi cho việc làm hồ sơ xét tuyển”, thầy giáo nói.

du doan diem chuan nam 2022 anh 2
Thí sinh cần cân nhắc sắp xếp nguyện vọng phù hợp. Ảnh: Duy Hiệu.

Về cơ bản, quy chế xét tuyển đại học năm 2022 không khác biệt nhiều so với những năm trước. Yếu tố duy nhất thay đổi là về phương thức xét tuyển và trúng tuyển sớm. Năm ngoái, thí sinh trúng tuyển sớm (theo phương thức xét tuyển học bạ hoặc chứng chỉ ngoại ngữ) và làm xác nhận nhập học sớm sẽ không có quyền đăng ký xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, nguyên tắc này không còn được áp dụng.

Thầy Ngọc nói lợi thế của học sinh năm nay là có được một tấm “bảo hiểm” cho việc đăng ký nguyện vọng. Cụ thể, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào đại học, không giới hạn về phương thức và mỗi phương thức được xét tuyển độc lập với nhau.

Vì các phương thức được xét tuyển độc lập, thí sinh sẽ có quyền bảo toàn kết quả trúng tuyển. Ví dụ, nếu thí sinh đã trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển học bạ, các em vẫn được giữ kết quả đó.

Để nâng cao cơ hội trúng tuyển vào trường đại học mơ ước, điều đầu tiên thí sinh cần làm là liệt kê tất cả nguyện vọng. Thầy Vũ Khắc Ngọc nêu 3 yếu tố phù hợp khi chọn nguyện vọng xét tuyển, bao gồm phù hợp với năng lực, tính cách của bản thân; phù hợp với nhu cầu xã hội; phù hợp với nguồn lực gia đình.

Tiếp đó, thí sinh hãy sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự từ trên xuống. Những nguyện vọng dự kiến điểm chuẩn cao hơn xếp lên trên, nguyện vọng dự kiến điểm chuẩn thấp hơn xếp xuống dưới. Nếu không thể tự dự đoán điểm chuẩn cho các ngành, thí sinh nên căn cứ điểm chuẩn của năm trước để sắp xếp cho phù hợp.

Do tất cả phương thức xét tuyển đều độc lập với nhau, thí sinh có thể sắp xếp nguyện vọng đan xen, không nhất thiết phải xếp theo thứ tự của từng phương thức.

Tuy nhiên, thầy Ngọc gợi ý những thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức học bạ hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, nếu muốn thử sức bằng cách xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp nên xếp tất cả nguyện vọng bằng phương thức này lên trên, còn các nguyện vọng đã trúng tuyển sẽ được dùng là phương án dự phòng.

Với cách làm này, thí sinh vừa có cơ hội trúng tuyển những ngành yêu thích bằng điểm thi tốt nghiệp, vừa không mất đi khả năng vào đại học. Nếu không đậu bằng điểm thi, các em vẫn có thể nhập học bằng kết quả xét học bạ.

Trẻ cần được hướng nghiệp từ sớm

Thầy Vũ Khắc Ngọc nhận thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc xét tuyển đại học năm nay diễn ra khá khốc liệt. Lý giải cho điều này, thầy nói rằng sự khắc nghiệt trong việc xét tuyển bắt nguồn từ việc các trường đa dạng hóa phương thức tuyển sinh đại học. Kéo theo đó, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp cũng bị thu hẹp, hiện chỉ chiếm khoảng 30-40%.

Như vậy, trong các mùa tiếp sinh sắp tới, tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp sẽ còn bị thu hẹp hơn nữa, thậm chí không còn được áp dụng. Thầy Ngọc lấy ví dụ ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ không còn tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp kể từ năm 2023, hay ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tuyên bố không tuyển sinh các ngành hot bằng phương thức này.

Như vậy, học sinh khóa sau cần dự tính các trường đại học sẽ xét tuyển bằng phương thức nào để chuẩn bị cho tốt. Ngoài ra, các em cũng cần được hướng nghiệp từ sớm thay vì chờ đến khi biết điểm mới vội tìm hiểu ngành học.

Ngay từ khi lên lớp 10, học sinh nên đặt câu hỏi mình hợp với ngành gì, phù hợp với những trường nằm trong tốp nào (trường tốp đầu, tốp giữa hay tốp cuối). Bằng cách tự đặt câu hỏi, các em sẽ dễ dàng khoanh vùng và tìm được phương thức xét tuyển phù hợp trong tương lai.

“Câu hỏi chúng ta cần trả lời là mình phù hợp với nhóm ngành/nghề nào nhất, có lợi thế ở phương thức tuyển sinh nào nhất, từ đó vạch ra BACK TO school là gì? Tìm hiểu văn hóa Back to School 2022 trên thế giớilộ trình học tập thật khoa học từ sớm để có thể dễ dàng hoàn thành mục tiêu”, thầy giáo nhắc lại.

Xem thêm: BACK TO SCHOOL là gì? Tìm hiểu văn hóa Back to School 2022 trên thế giới

Nguồn: ZingNews

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM