Thi đánh giá năng lực – xu hướng xét tuyển đại học năm 2022

Lê Kiên - 19/04/2022

Khi đề thi tốt nghiệp THPT không còn mang tính phân hóa mạnh, nhiều trường ĐH lựa chọn tuyển sinh bằng nhiều phương thức, nổi bật là lấy kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực.

Ngày 27/3, 85.000 thí sinh bước vào đợt một kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022. Đây là số lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đông nhất từ trước đến nay.

Không chỉ tăng về số lượng thí sinh đăng ký dự thi, con số các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này trong xét tuyển đầu vào cũng lên đến 84 (năm 2021 là 70 trường).

Bên cạnh những phương thức xét tuyển truyền thống vốn có như xét điểm thi tốt nghiệp THPT hay xét học bạ thì tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được các trường ĐH ưa chuộng, nhằm tìm kiếm được thí sinh phù hợp với ngành học. Không ít thí sinh cũng xem đây là một trong những “con đường” đáng để đầu tư công sức, nhằm tăng thêm cơ hội bước chân vào đại học.

Số lượng thí sinh tăng mạnh

Năm 2018, lần đầu tiên ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 5.000 thí sinh tham gia. Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký là 85.000 em (gồm cả học sinh lớp 12 và thí sinh tự do). Đây là lượng thí sinh đăng ký cao nhất trong 5 năm tổ chức kỳ thi và có tỷ lệ 121,66% so với cùng đợt năm 2021.

Năm 2022, khi thực hiện bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc Gia TP.HCM, có đến 1.266 ngành học mà thí sinh có thể lựa chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Trong đó bao gồm 254 ngành của 10 trường thuộc khối ĐH Quốc gia TP.HCM và 1.012 ngành của 69 trường ngoài hệ thống và 5 trường cao đẳng.

Các thí sinh chọn nhiều phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội vào đại học. Ảnh minh họa: Chí Hùng

Với việc không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký, kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực có thể giúp các thí sinh chọn được ngành học yêu thích, phù hợp với năng lực. Chưa kể, sau khi kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 được công bố, thí sinh có thể đăng ký bổ sung nguyện vọng xét tuyển và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng.

Điều này giúp các thí sinh có thể linh hoạt được trong việc nộp hồ sơ xét tuyển và chọn được trường cũng như ngành học mà mình mong muốn.

Một trong những ưu thế khiến kỳ thi đánh giá năng lực thu hút thí sinh tham dự là việc kỳ thi được tổ chức ở nhiều cụm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh ở các địa phương tham dự.

Năm 2021, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức diễn ra tại 7 tỉnh, thành. Năm nay, kỳ thi được có 80 điểm thi ở 17 địa phương, bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.

Trong đó, TP.HCM có 32 điểm thi, khu vực miền Trung có 18 điểm thi, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có 19 điểm thi, khu vực miền Tây có 11 điểm thi. Các thí sinh không phải mất quá nhiều thời gian hay phải di chuyển xa xôi khi số lượng điểm thi tăng lên đáng kể.

Lựa chọn và cách thức tuyển sinh của các trường

Khác với cách tiếp cận của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2022, bài thi này đánh giá học sinh qua khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Cách tiếp cận phương pháp tổ chức và xây dựng đề tương tự kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Với phổ điểm khá cân bằng qua các năm, đề thi đánh giá năng lực được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá có tính ổn định cao. Đây là một yếu tố quan trọng để nhiều trường đại học làm cơ sở lựa chọn phương thức này khi tuyển sinh.

Số lượng các trường ĐH, CĐ lựa chọn xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tăng dần qua mỗi năm (năm 2019 có 40 trường, 2020 có 60 trường, 2021 có khoảng 70 trường).

Hiện có không ít trường lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, song chỉ tiêu các trường dành cho phương thức này khác nhau. Các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM thường có số lượng chỉ tiêu cao.

Theo đó, ĐH Bách Khoa dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này, ĐH Khoa học Tự nhiên xét 40-70%, Đại học Kinh tế-Luật xét 40-60% chỉ tiêu…

Với các trường ngoài khối ĐH Quốc gia TP.HCM có đa dạng các phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực cũng có sự khác biệt. Nhiều trường dành chỉ tiêu ở mức 5-10% cho kết quả thi đánh giá năng lực như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công Nghệ TP.HCM…

Xét tuyển học bạ, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực giúp các thí sinh biết sớm kết quả vào đại học trước khi thi tốt nghiệp. Ảnh: UEF.

Điển hình, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) dự kiến dành khoảng 5% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực. Phổ điểm mà nhà trường xét tuyển năm 2022 tương đối ổn định như năm 2021, có thể có một số ngành sẽ có mức điểm trúng tuyển cao hơn năm 2021 khoảng 50 điểm.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) cho biết: “Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi kỳ thi đánh giá năng lực, điểm tuyển năm 2021 là 650-800 tùy theo từng ngành. Trong đó các ngành Kinh doanh quốc tế, quan hệ quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quan hệ công chúng có mức điểm trúng tuyển 800 điểm, cao nhất năm 2021”.

Tuy nhiên, cũng theo từng đợt thi hoặc đợt tuyển sinh mà điểm trúng tuyển cũng có phần khác nhau.

“Dựa vào kinh nghiệm các năm trước, điểm trúng tuyển năm sau thường cao hơn năm trước. Nếu tương ứng với 2 đợt thì đợt sau thường cao hơn đợt trước”, ông Phạm Doãn Nguyên nói.

Ngoài ra, một điểm mà các thí sinh cần lưu ý rằng có trường đại học chỉ áp dụng xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực đối với một số ngành nhất định. Khi nộp hồ sơ, thí sinh cần biết tỷ lệ chỉ tiêu từng ngành, điểm trúng tuyển của năm trước đó và đặc biệt lưu ý tham khảo mức điểm trúng tuyển các trường trong vài năm gần đây.

Chia sẻ thêm về các phương án xét tuyển, ThS. Phạm Doãn Nguyên cho hay tùy theo mỗi trường mà phương thức tuyển sinh sẽ có phần khác nhau. Mỗi phương thức xét tuyển cũng mang đến lợi thế, cơ hội không giống nhau cho các thí sinh.

“Các phương thức xét tuyển tại UEF là hoàn toàn độc lập nhưng khi học là học chung với nhau, hưởng thụ các dịch vụ hỗ trợ như nhau, giá trị bằng cấp như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Vì vậy thí sinh hoàn toàn an tâm chọn một hoặc nhiều phương thức xét tuyển cùng lúc để tăng cơ hội trúng tuyển của mình”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Năm 2022, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) tuyển sinh 35 ngành với 4 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét học bạ THPT lớp 12 tổ hợp 3 môn, xét học bạ THPT điểm trung bình 3 học kỳ.

Đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT, UEF đang nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 15/2 – 31/3. Hai phương thức xét tuyển học bạ THPT đều yêu cầu từ 18 điểm trở lên.

Zing News phối hợp trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) thực hiện tuyến nội dung “Tiếp bước đại học, vững bước tương lai”, nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử, tuyển sinh đại học trước thềm vượt vũ môn.

Năm 2022, UEF tiếp tục thu hút thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và trao nhiều suất học bổng tuyển sinh, tài năng cho tân sinh viên từ 25%, 50% đến 100% học phí. Bên cạnh đó, 17 chuyên ngành được doanh nghiệp tài trợ học bổng 30% toàn khóa học. Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm học kỳ quốc tế dành cho sinh viên trúng tuyển qua mọi phương thức. Thí sinh đăng ký tìm hiểu thông tin về trường tại đây.

Nguồn: ZingNews

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM