Sinh viên viết để chữa lành tổn thương tinh thần

Lê Kiên - 22/07/2022

Bên cạnh những trải nghiệm cảm xúc về niềm vui, mỗi người đều có trong mình những cô đơn, mất mát. Không ít bạn trẻ hiện nay chọn cho mình cách viết để chữa lành tổn thương.

Hai năm nay, cứ sau 21h, Ngọc Thuận (sinh viên năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) ngồi vào bàn sau một ngày dài lăn lộn với đi học, đi làm. Nữ sinh lấy giấy bút hay laptop và bắt đầu viết.

“Mình viết một cách tự do, bất cứ vấn đề gì, như cách mình tâm sự với chính bản thân. Đôi khi, mình lại viết như một bức thư cho ai đó để tỏ lòng biết ơn, viết để giãi bày nỗi buồn và cả khi có niềm vui lớn, mình cũng viết”, Ngọc Thuận chia sẻ.

viet de chua lanh ton thuong anh 1
Ngọc Thuận dùng cách viết để chữa lành những tổn thương trong tâm hồn. Ảnh: NVCC.

Tổn thương tinh thần

Đầu năm ba, khi bước vào những năm cuối của đại học, Ngọc Thuận bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về bản thân, về con đường tương lai sau này. Nữ sinh bắt đầu bị áp lực về vấn đề điểm số, mông lung về định hướng sau khi ra trường.

Lúc này, một số mối quan hệ thân thiết với cô trước đây không còn tích cực, chuyện tình cảm cũng không suôn sẻ, Thuận rơi vào dòng cảm xúc yếu đuối, cô đơn, tù túng trong suy nghĩ.

Thời điểm này cũng trùng với thời gian dịch bệnh bùng phát, các trường đại học chuyển sang hình thức học sang online. Việc ở nhà nhiều, làm bạn với 4 bức tường ngột ngạt của phòng trọ càng khiến Thuận rơi vào trạng thái tiêu cực, mọi thứ ngày càng đi xuống theo tinh thần của cô.

Giống như Ngọc Thuận, Khánh Tùng (sinh viên năm cuối, ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng rơi vào cảm xúc tiêu cực khi bước vào đại học. Mặc dù có học lực khá khi học THPT, nhưng bước chân vào môi trường tốp đầu, chương trình học rất nặng khiến nam sinh không khỏi bị ngợp.

Càng đến năm ba, năm bốn, nam sinh càng áp lực về nợ môn, điểm thấp, chậm chương trình. Nhìn bạn bè xung quanh bắt đầu đi làm và tự nuôi sống bản thân, Tùng rơi vào trạng thái tự ti, so sánh bản thân với người khác để tự áp lực lên mình.

Gần đây, chuẩn bị ra trường, Tùng bắt đầu đi thực tập và đi làm ở một số công ty, nam sinh không tránh khỏi những kỳ vọng lớn từ gia đình và của chính bản thân cùng với tiêu chuẩn, định kiến xã hội. Không ít lần, Khánh Tùng thất vọng khi môi trường làm việc khác hẳn môi trường đi học.

Tương tự, N.Q. (sinh viên năm hai, Học viện Tài chính) từng rơi vào tình trạng sa sút về mặt tinh thần như Ngọc Thuận hay Khánh Tùng. Không chỉ vấn đề học tập, đã có lúc, những chuyện nhỏ trong đời sống hàng ngày, một vài câu nói từ bạn bè hay bóng đen quá khứ cũng dễ dàng khiến cô tổn thương. Nữ sinh trở nên ít nói, cộc cằn, khó chịu và không thể chia sẻ với bất kỳ ai.

Đối diện với những vết xước tinh thần

Sau 4 tháng thường xuyên gặp phải những cảm xúc tiêu cực, Ngọc Thuận bắt đầu tìm kiếm cho bản thân cách để vượt qua “vũng bùn” tâm lý. Nữ sinh bắt đầu đón nhận tổn thương như những điều nhất định phải xảy ra trong cuộc sống. Cô nhìn thẳng vào vấn đề và bắt đầu giải quyết từ việc nhỏ nhất là suy nghĩ tích cực, chăm chỉ học tập, tìm kiếm chia sẻ từ người xung quanh.

Giống như Thuận, N.Q. cũng loay hoay đi tìm giải pháp cho bản thân để đối diện với cảm xúc tiêu cực. Theo nữ sinh, tình trạng tâm lý của cô chưa đến mức đi gặp bác sinh tâm lý hay sử dụng thuốc, thay vào đó, cô bắt đầu học cách lắng nghe bản thân mình nhiều hơn.

“Không muốn bản thân phải gượng ép với cảm xúc, vì vậy, mình vẫn khóc khi có thể khóc để cảm xúc tiêu cực qua đi”, Q. chia sẻ.

Hết giờ học, giờ làm, N.Q. chọn cách đi dạo hoặc đi chơi, cà phê với bạn bè thay vì nhốt mình trong bốn bức tường phòng trọ. Tuy nhiên, cả Thuận hay N.Q. đều nhận thấy những điều đó chỉ đỡ được một phần. Những vết thương trong lòng không thể hoàn toàn được chữa lành.

viet de chua lanh ton thuong anh 2
Diệu Mây biết đến việc viết chữa lành khi đang loay hoay giữa đống khó khăn vụn vỡ của tuổi mới lớn và tìm cách xoa dịu chúng. Ảnh: NVCC.

Viết để chữa lành

Một ngày lang thang trên mạng xã hội, Ngọc Thuận đọc được vài liệu pháp tâm lý, trong đó có phương pháp viết để chữa lành được nhiều người sử dụng.

“Vậy là mình chọn cách viết nỗi buồn, tổn thương trong tâm hồn thành hình, thành chữ để tâm hồn mình được giãi bày, được giải tỏa những dòng suy tư của bản thân. Biết đâu đó, ngoài kia cũng có những tâm hồn đồng điệu với mình, những con người tổn thương tìm đến con chữ để giải tỏa”, Thuận chia sẻ.

Thời gian đầu, Thuận viết bất cứ khi nào cô thích, có câu chuyện cô giữ riêng cho bản thân, nhưng cũng có câu chuyện cô đăng tải lên mạng xã hội để được chia sẻ, an ủi và động viên nhiều hơn. Cô viết về những nỗi buồn, niềm vui, sự biết ơn cô trải qua trong ngày hay một khoảng thời gian nào đó. Nó có thể là câu chuyện trọn vẹn nhưng đôi khi, chỉ là vài dòng ngắn.

Đối với Thuận, việc viết chữa lành dần trở thành cách khiến bản thân cô và người đọc được san sẻ tâm tư, thấu hiểu nhau, giúp làm lành vết thương lòng hay cùng nhau cân bằng lại cảm xúc.

“Bắt đầu bằng những dòng kể về nỗi buồn nhưng gần đây, sau 2 năm duy trì, mình thấy các bài viết của mình đa phần là niềm vui, là những dòng biết ơn nhiều hơn”, Thuận tâm sự.

Giống như Ngọc Thuận, Diệu Mây (sinh viên năm cuối ngành Công Nghệ thông tin, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng) cũng biết đến việc viết chữa lành khi đang loay hoay giữa đống khó khăn vụn vỡ của tuổi mới lớn và tìm cách xoa dịu chúng.

“Mình bắt đầu viết về những tổn thương của bản thân từ khoảng 6 năm trước, khi còn là học sinh cấp ba”, Diệu Mây chia sẻ.

Đối với Diệu Mây, cô viết không chỉ để bản thân vượt qua bóng tối tiêu cực mà còn để gửi đi thông điệp đến với những hoàn cảnh giống như cô. Nữ sinh mong muốn bất cứ ai đọc những dòng cô viết có thể hàn gắn mảnh vỡ tổn thương, xử lý vấn đề về mặt cảm xúc.

Vốn có sở thích viết lách, lại thiếu người để chia sẻ, Khánh Tùng cũng tìm đến con chữ để ổn định lại tinh thần và đối mặt với những vấn đề của bản thân.

“Đôi khi, những vấn đề tưởng như khó khăn, nhưng khi viết ra mình cũng sẽ dễ dàng đối mặt và giải quyết hơn”, Tùng nói.

Tùng không chỉ viết về cảm xúc tiêu cực, dòng chữ của cậu vẫn thường nhắc về ký ức của tuổi thơ đẹp, ý nghĩ đẹp hàng ngày hay đơn giản khi cảm hứng đến và cậu muốn viết. Cậu muốn lan tỏa cảm xúc và năng lượng tích cực đến người xung quanh, kéo những ai đang gặp vấn đề tương tự cậu ra khỏi vũng lầy tâm lý.

Đối với N.Q., không có năng khiếu viết lách, cô lựa chọn đọc những dòng tâm sự của người khác, đón nhận điều tích cực trong mỗi bài viết. Ở đó, cô tìm thấy tâm hồn đồng điệu để bản thân cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.

“Mình nhận ra thế giới này không chỉ mỗi mình mình gặp phải vấn đề như vậy, có những bạn còn tệ hơn nhưng người ta vẫn làm được, vẫn vượt qua được khiến mình như được truyền động lực và nghĩ lại về bản thân”, Q. chia sẻ.

Nguồn: ZingNews

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM