Theo các giáo viên, đề thi ba môn Lý, Hóa, Sinh chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, phổ điểm ở mức 5,5-6,5 và “rất khó lấy điểm 10”.
Sáng 8/7, gần 319.700 thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn Lý, Hóa, Sinh) của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các giáo viên đánh giá khoảng 90% số câu hỏi của đề thi nằm trong chương trình lớp 12.
Với môn Sinh, tổ tự nhiên của Hệ thống giáo dục HOCMAI chỉ rõ những phần kiến thức lớp 12 được đề cập trong 36 câu hỏi gồm cơ chế di truyền và biến dị (9 câu), quy luật di truyền (9), sinh thái (8), di truyền người, quần thể, di truyền học ứng dụng và tiến hóa, mỗi nội dung 1-4 câu.
Kiến thức của chương trình lớp 11 chỉ xuất hiện tại bốn câu trong đề thi Sinh, thuộc phần chuyển hóa vật chất và năng lượng. Bốn câu này đều ở mức nhận biết và thông hiểu, không có điểm mới nên thí sinh dễ dàng lấy điểm.
Sự phân chia số câu hỏi theo tỷ trọng 36-4 giữa kiến thức lớp 12 và 11 cũng xuất hiện trong đề môn Vật lý. Thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Tuyensinh247, cho biết kiến thức Vật lý tập trung vào ba chương đầu của lớp 12, gồm dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, dòng điện xoay chiều.
Hóa học có số câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 ít nhất trong số ba môn Khoa học tự nhiên, chỉ 3 câu (chiếm 7,5%). Đề thi đề cập đến các chuyên đề quen thuộc như este – lipit, cacbonhidrat; amin – aminoaxit – peptit; đại cương về polime…
Xét số câu hỏi lý thuyết và thực hành, Sinh học nhiều câu lý thuyết nhất – 34 câu (chiếm 85%), Vật lý 20 (tương đương 50%) và Hóa học 29 câu (72,5%).
Dù bám sát cấu trúc đề tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hồi tháng 3, các giáo viên cho rằng đề thi chính thức vẫn có các câu lạ, khó, mang tính phân loại và có đòi hỏi sự ứng biến của thí sinh.
Ở đề Vật lý, thầy Toản nhận định các câu hỏi phân loại hầu hết nằm ở phần thực hành, liên quan đến thực tiễn, ứng dụng. Thầy cho rằng điểm đặc biệt của đề Vật lý tốt nghiệp THPT 2022 nằm ở câu 39 (mã đề 223), hỏi về hệ thống hai con lắc lò xo nằm ngang.
Thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên môn Hóa của Tuyensinh247, đánh giá đề thi phân hóa mạnh ở khoảng 10 câu cuối, phù hợp để thí sinh xét tuyển đại học. Để đạt điểm giỏi, thí sinh không những phải nắm chắc lý thuyết mà còn phải có khả năng suy luận, ứng biến nhanh trong 50 phút.
Khác với “truyền thống” các năm qua, đề Sinh học không có câu vận dụng cao ở phần phả hệ, còn vẫn có những câu hỏi phân loại thuộc phần quy luật di truyền và di truyền quần thể. 10 câu cuối cùng được sắp xếp ngẫu nhiên, thay vì theo độ khó tăng dần như 30 câu trước đó. Các giáo viên tổ tự nhiên của HOCMAI cho rằng điều này giúp hạn chế tình trạng “khoanh lụi” dựa trên tỷ lệ phân bổ đáp án.
Về dự đoán phổ điểm, các giáo viên đều chung nhận định: thí sinh không khó lấy điểm 5-6,5; đây cũng là mức điểm phổ biến nhưng rất hiếm điểm 10.
Cô Trần Thị Huệ Minh, giáo viên Sinh học, trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), dự đoán phổ điểm môn Sinh ở mức 5, còn tổ tự nhiên của HOCMAI cho rằng đỉnh phổ điểm có thể đạt 5,5-6,5.
“Để đạt được 9 điểm trở lên đòi hỏi thí sinh phải có tư duy phân tích tốt, kỹ năng luyện nhiều đề”, cô Minh nói.
So với môn Sinh, phổ điểm môn Hóa được dự đoán cao hơn một chút, tập trung ở ngưỡng 6-6,5. Vật lý là môn có phổ điểm trải rộng nhất, theo thầy Toản. “Mức 5-7 điểm sẽ có nhiều thí sinh đạt được, ít điểm 9-9,5 và rất rất hiếm điểm 10”, thầy Toản cho hay.