Một số kiến nghị sau kỳ thi tốt nghiệp THPT

Lê Kiên - 11/07/2022

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kết thúc đặt ra một số vấn đề cần điều chỉnh để mang lại hiệu quả hơn.

Những nguy cơ do độ vênh lớn giữa hai bài thi tổ hợp

Cũng như các năm trước, độ khó bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là khá lớn. Hầu hết các thí sinh (TS) tham gia bài thi khoa học xã hội và cả giáo viên đều nhận định không quá khó để đạt điểm trong mức 8. Cụ thể, với đề sử, TS trung bình, khá lấy được 5 – 7,5 điểm dễ dàng; đề thi môn giáo dục công dân được cho là “nhẹ” nhất trong tất cả môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022; môn địa không có câu khó. Trong khi đó, TS chọn tổ hợp khoa học tự nhiên (các môn lý, hóa, sinh) để qua được điểm 8 là từ khó đến rất khó.

Một số kiến nghị sau kỳ thi tốt nghiệp THPT - ảnh 1
Thí sinh trong buổi thi bài tổ hợp khoa học xã hội kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 NGỌC DƯƠNG

Ở mục đích công nhận tốt nghiệp, điều bất hợp lý này tạo sự không công bằng. Hơn nữa, do chỉ lấy 1, 2 môn trong bài thi tổ hợp dùng xét tuyển ĐH nên việc học lệch càng phổ biến.

Đó là chưa kể do độ khó giữa 2 bài thi chênh lệch nhau quá lớn mà ngày càng nhiều TS chọn bài thi khoa học xã hội. Năm 2022, tổng số TS đăng ký bài thi khoa học tự nhiên là 330.357 (chiếm 31,86%), TS đăng ký bài thi khoa học xã hội là 555.878 (chiếm 55,45%). Số TS chọn bài thi khoa học xã hội tăng từng năm: năm 2017 là 43%, 2018 là 48%, 2019 là 53% và 2020 là 55,38%. Trong khi đó, TS chọn tổ hợp khoa học tự nhiên ngày càng giảm, từ 38,01% năm 2017 giảm còn 32,9% năm 2020.

Một số kiến nghị sau kỳ thi tốt nghiệp THPT - ảnh 2
Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải huy động một lực lượng lớn giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục tham gia vào các khâu của kỳ thiĐỘC LẬP

TS lựa chọn khoa học xã hội để được điểm cao và khó bị điểm liệt, nhưng điều này dẫn đến hệ lụy trong việc đào tạo nguồn nhân lực khi có sự mất cân đối quá lớn nhân lực giữa các lĩnh vực.

Kỳ thi cồng kềnh nhưng tỷ lệ đỗ gần 99%

Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải huy động một lực lượng lớn giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục tham gia vào các khâu của kỳ thi, đó là chưa kể đến nhân sự phục vụ kỳ thi, sự phối hợp các ngành chức năng, kinh phí lên tới con số khủng. Trong khi đó, tốt nghiệp phổ thông đạt tỷ lệ 98%, 99%. Kỳ thi năm này có đến 100.000 TS (chiếm 10%) dự thi với mục đích công nhận tốt nghiệp, buộc số này chung đề thi “hai trong một” là quá lãng phí!

Có TS mà tay đang phải truyền nước biển, có em quên thẻ dự thi – xe đặc chủng công an phải vào cuộc…; sự quan tâm rất nhân văn nhưng ở góc độ khác cho thấy sự cứng nhắc của kỳ thi khiến cho áp lực tăng lên.

Tại sao không đánh giá học sinh trong quá trình học, còn thi do trung tâm khảo thí đảm nhiệm và thực hiện nhiều kỳ trong một năm học; xét tuyển ĐH do cơ sở ĐH quyết định?

Trắc nghiệm khách quan vẫn còn kiểu may rủi

Ngoại trừ môn văn, các môn còn lại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đều ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Công bằng mà nói, hình thức này hạn chế quay cóp, chấm bài nhanh, chính xác, chấm được số bài lớn trong thời gian ngắn, phù hợp với kế hoạch năm học của ngành giáo dục. Tuy nhiên việc lạm dụng thi trắc nghiệm khách quan khiến dạy – học rơi vào vòng xoáy “mì ăn liền”; học sâu, nghĩ sáng tạo, trình bày logic và những kỹ năng bổ trợ bị hạn chế do chăm vào chọn phương án đúng; chấp nhận “mẹo”, “đoán” và “đánh lụi”, hệ lụy là “tinh” và “chất” của môn học không được chú trọng.

Một số kiến nghị sau kỳ thi tốt nghiệp THPT - ảnh 3
Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn toán theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022NGỌC DƯƠNG

Chưa kể cách ra đề trắc nghiệm hiện nay ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, thực tế là các bài toán khó, vấn đề khó. Vì thế phần lớn TS đoán mò mà gặp may nên ngay đối với nhóm TS giải trúng thì cũng chưa chắc đã phân hóa đúng năng lực.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, đổi mới kiểm tra, đánh giá là một trọng tâm, và đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT là đột phá. Như quy luật giáo dục, đánh giá đúng và trúng sẽ tác động trở lại đổi mới phương pháp dạy học, giúp giáo dục hoàn thành sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực dựng xây nước Việt thịnh vượng.

Nguồn: Thanh Niên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM