Một lớp có 44 học sinh đạt trên 9 điểm môn Văn

Lê Kiên - 26/07/2022

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, 44 học sinh lớp 12C4, trường THPT Quang Trung, Hải Phòng, đạt từ 9 điểm trở lên ở môn Văn. Các em còn lại đều trên 8 điểm.

Trải qua một ngày sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, Tổ trưởng tổ Văn, Sử, Địa của trường THPT Quang Trung, Hải Phòng, vẫn không giấu được niềm vui khi nói về việc học sinh lớp 12C4 đạt thành tích cao ở môn Văn.

Cụ thể, lớp có 50 học sinh, trong đó, 44 em đạt điểm 9 trở lên trong môn Văn, 6 em còn lại đạt điểm 8,25 trở lên. Điểm trung bình cả lớp lên đến 9,17 điểm.

“Tôi không có từ ngữ nào có thể diễn ra hết cảm xúc lúc này, vui mừng, hạnh phúc. Từ đêm hôm qua đến giờ, tôi liên tục nhận cuộc gọi, lời cảm ơn, chúc mừng từ phụ huynh, học trò, đồng nghiệp. Thật sự, tôi rất xúc động”, cô Hoài Thu chia sẻ nói với Zing.

Cùng học trò thức chờ điểm

Cô Thu cho biết là giáo viên giảng dạy nhiều năm, năm nào, cô cũng thức khuya chờ “cổng” mở. Cô hồi hộp, lo lắng thậm chí là mất ngủ cùng các em học sinh.

Danh sách điểm thi môn Ngữ văn của lớp 12C4, trường THPT Quang Trung, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: NVCC.
Danh sách điểm thi môn Ngữ văn của lớp 12C4, trường THPT Quang Trung, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: NVCC.

Từ khi nhận thông báo kết quả, cô bất ngờ vì chưa bao giờ nghĩ lớp có thể đạt thành tích cao như vậy. Cô cho biết đây là kết quả của quá trình nỗ lực, chăm chỉ học tập suốt 3 năm.

Cô giáo Thu tâm sự ngôi trường cô giảng dạy cách xa trung tâm thành phố, điều kiện kinh tế của phụ huynh và học sinh còn nhiều khó khăn, việc đi học thêm rất hạn chế, chủ yếu học trên lớp. Ngay từ khi vào lớp 10, học sinh chưa yêu thích môn Văn. Vì thế, cô vất vả trong việc truyền cảm hứng, cũng như kiến thức để các em thích môn này hơn.

“Trong suốt quá trình đó, việc tạo động lực đã khiến các em say mê, học hỏi và nỗ lực nhiều hơn. Kết quả, ở những lần thi thử, lớp 12C4 luôn đứng đầu toàn trường, toàn khối. Nhiều năm nay, trường luôn đứng trong tốp đầu của thành phố”, cô Hoài Thu hào hứng chia sẻ với Zing.

Ngồi xem lại danh sách điểm thi, cô Thu tự hào khi tất cả học sinh của mình đều đạt kết quả như mong đợi. Đặc biệt, cô ấn tượng với em Bùi Thu Uyên đạt 9,75 điểm. Cô kể Uyên sức khỏe yếu nên phải tạm nghỉ học một thời gian. Dù vậy, nữ sinh luôn nỗ lực để đạt kết quả tốt.

Hay như trường hợp em Trần Quang Minh, trong quá trình học, Minh trầm tính, nhút nhát, ít nói. Mỗi lần giáo viên gọi Minh trả lời, em đều rụt rè. Nam sinh cũng viết chậm. Tuy nhiên, trong giai đoạn ôn thi nước rút, Quang Minh bứt phá để đạt 9,5 điểm. Đây là trường hợp bất ngờ đối với cô Hoài Thu.

Cô Nguyễn Thị Hoài Thu cùng tập thể lớp 12C4, trường THPT Quang Trung, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thị Hoài Thu cùng tập thể lớp 12C4, trường THPT Quang Trung, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: NVCC.

Không để học sinh viết theo văn mẫu

Chia sẻ về phương pháp dạy học của mình, cô Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết bản thân luôn chú trọng giảng dạy theo phương pháp mới, lấy học sinh làm trung tâm, định hướng theo sự phát triển năng lực của học sinh là chủ yếu. Cô luôn cố gắng, đối mới phương pháp, kỹ thuật dạy học.

“Tôi luôn hướng dẫn cho học sinh cách trải nghiệm thực tế, thực hành với môn Văn học nhiều hơn, kết hợp ôn luyện với những dạng đề tài khác nhau, thay vì cứ thao giảng mỗi lý thuyết mà không vận dụng vào thực tế”, cô Thu nhận định.

Cô giáo cũng cho biết cô không có phương pháp dạy học cụ thể nào, nhiều khi dạy theo cảm tính. Cô thường cho học sinh tự cảm nhận tác phẩm văn học.

“Khi đọc tác phẩm này, các em cảm nhận như thế nào, hiểu gì về tác phẩm. Thông thường, tôi cho học sinh đọc, cảm nhận trước, sau đó định hướng cách khai thác, hướng dẫn, giảng dạy theo đặc trưng của từng thể loại cụ thể như thơ, truyện, kịch…”, cô Thu chia sẻ.

Cô Thu luôn chú trọng giảng dạy theo phương pháp mới, lấy học sinh làm trung tâm, định hướng theo sự phát triển năng lực của học sinh là chủ yếu. Ảnh: NVCC.
Cô Thu luôn chú trọng giảng dạy theo phương pháp mới, lấy học sinh làm trung tâm, định hướng theo sự phát triển năng lực của học sinh là chủ yếu. Ảnh: NVCC.

Cô Thu cũng cho rằng để học sinh có thể cảm nhận tác phẩm, thực chất, giáo viên phải truyền cảm hứng cho học trò.

“Tôi thường dạy học sinh viết theo cảm nhận của mình bởi văn chương không giống với bộ môn khác. Văn chương được cấu tạo bởi ngôn từ, mỗi người cảm nhận khác nhau. Việc để học sinh đặt mình vào vai trò đồng tác giả giúp các em tự cảm nhận, trình bày, viết ra suy nghĩ của bản thân thay vì học thuộc lòng, viết theo văn mẫu”, cô Hoài Thu nói.

Trước mắt, học sinh lớp 12C4 đã đạt thành tích tốt ở môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cô Hoài Thu mong muốn học trò sẽ duy trì, phát huy năng lực này, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, trở thành người có ích cho xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM